chữ chạy

THÀ THẮP LÊN MỘT NGỌN ĐÈN LE LÓI CÒN HƠN NGỒI NGUYỀN RỦA BÓNG TỐI

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Bài của Bùi Kha về Trương Vĩnh Ký

Bùi Kha đã viết trong Giaodiemonline một bài dài về sự thật con người và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong giai đoạn Pháp đánh chiếm nước ta. Mời mọi người vào xem tại đây: http://giaodiemonline.com/2011/12/truongvinhky.htm hoặc bấm vào link ở phần Mời xem bên tay phải

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Một bức thư hay

Đây là bức thư của một học sinh lớp 11 tại trường Amsterdam, Hà Nội cho đề bài văn“Vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”. Văn hay, ý tứ sâu sắc so với lứa tuổi, đưa lên đây cho bà con ai chưa được đọc thì đọc để đôi khi nhìn lại quan điểm của mình về đồng tiền.


Thư gửi mẹ,
Mẹ thân yêu của con!
“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn
sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu
tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo
gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ,
cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về
tiền đến thế nhỉ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại.
Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy
nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con
mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết
chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất
nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói
xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ
mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả
cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau
đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho
phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải
tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như
hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ
suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải
nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng
thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình.
Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là
mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy
thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn:“Mẹ ghét tiền”.
Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận.
Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo
đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ
chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại
chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.
Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này.
Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận
an toàn và về nhà, hoặc là…
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả
phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”.
Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình,
không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa
thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều
trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối.
Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức
khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.
Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ.
Nguyễn Trung Hiếu

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

HÃY BAO DUNG NẾU BỐ MẸ GIÀ ĐI

Đọc trên báo mạng, thấy bài này cảm động quá, copy rồi đưa lên đây cho ai có thời gian thì đọc. Chợt nhớ câu hát:
"Mẹ già như chuối chín cây, Gió lay mẹ rụng con thành mồ côi"
Thương quá đi thôi, Ba mình tết đến là 90 rồi, Me thì 87... Không biết mình có đến được ngày đó không; dù sao cũng cứ sống và cứ Yêu Người

Hãy bao dung nếu bố mẹ già đi

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hằng đêm cho đến khi con đi vào giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ có thời gian tìm hiểu.

Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, được gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ, vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn”.

Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.

Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.

Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ lúc con chào đời.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...

Hãy giúp bố mẹ những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều...

Bố mẹ...

PIERRE ANTOINE (Việt kiều Pháp)

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

LỬA TRẠI CA




Đốt lên ngọn lửa hồng, sáng trong đêm mịt mùng,
Lửa trại đêm nay đoàn ta cùng vui múa hát
Lửa trại đêm nay dưới trời trăng sao chập chùng
Ngồi cùng anh em dâng lời ca cho lửa hồng.......
A... á... a... Gió mang tình đi xa
A... á... a... Bao nhiêu ngày tháng qua
Mà sao tình Lam vẫn luôn chan hòa
A... á... a... Lửa bập bùng đêm nay reo bao lời thiết tha
Ta kết đoàn anh em khơi sáng trong tim ngọn lửa hồng
A... á... a... Lửa trại bốc cao sáng một trời đêm
Ta nắm tay kết đoàn anh em cho lửa thiêng rực cháy
Ta kết đoàn anh em cho lửa thiêng cháy mãi trong tim...
Để nhớ những ngọn lửa đã được đốt lên với yêu thương và hy vọng.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

TRIẾT LÝ SỐNG

Một giáo sư triết học đưa cho một nhóm sinh viên xem một cái lọ thủy tinh rỗng rồi sau đó bỏ vào trong lọ những quả banh golf lên đến miệng lọ.
Ông hỏi: Cái lọ này đã đầy chưa?. Dĩ nhiên các sinh viên trả lời đã đầy.
Thế rồi ông lại lấy những viên bi và bỏ tiếp vào trong lọ, các viên bi nhanh chóng lấp vào khoảng trống giữa các quả banh golf.
Ông lại hỏi: Cái lọ này đã đầy chưa?. Các sinh viên lại tiếp tục trả lời là đã đầy.
Nhưng ông lại lấy ra một gói cát và lại đổ vào trong lọ, cát chảy qua những chỗ trống và lấp đầy khoảng trống còn lại trong lọ.
Ông lại hỏi: Cái lọ này đã đầy chưa?. Dĩ nhiên câu trả lời có vẽ chắc chắn hơn: Thưa cái lọ đã đầy thật rồi.
Ông giáo sư lại lấy ra 2 tách cà phê và rót vào trong lọ, và cà phê đã hòa lẫn trong cát.
Các sinh viên đều cười.
Bài học này cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống cần phải được sắp đặt cho hợp lý theo những ưu tiên nhất định; tức là hãy tập trung năng lực và thời gian cho những điều quan trọng nhất sau đó mới đến những thứ ít quan trọng hơn và chỉ có thế ta mới có thể làm được nhiều việc trong cuộc sống; còn nếu không ta sẽ chỉ làm những điều lụn vụn vô nghĩa. Nó cũng giống như nếu ta đổ cát vào lọ trước thì sẽ chẳng thể bỏ được thứ gì vào lọ nữa.
Thế nhưng ly cà phê đổ vào lọ sau cùng mang ý nghĩa gì nhỉ?
Câu trả lời là dù ta đã có một cuộc đời hoàn toàn đầy đủ, hay có bận rộn cách nào đi nữa thì vẫn còn một chỗ cho những ly cà phê cùng bạn bè.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Đọc lại bài thơ này của Nguyễn Việt Chiến để mà thương nhớ, để mà giữ gìn

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã muời lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước*

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Nguyễn Việt Chiến

(Trại viết Hạ Long 4-2009)



Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Đọc những thông tin về vùng biển quê ta, biết lũ giặc Tàu lại gây hấn.
Giặc Tàu từ ngàn xưa cho đến ngàn sau luôn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Chúng luôn âm mưu thôn tính nước ta và hôm nay chúng tưởng chúng đã có thể xưng hùng xưng bá hay sao?
Ngày xưa, tổ tiên chúng cũng đã từng bị ta đánh cho "phiến giáp bất hoàn", cho "sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Tiếc là chẳng còn trai trẻ để sẳn sàng cầm súng lên đường, lại nhớ hào khí người xưa sang sảng tiếng thơ trên bờ sông Như Nguyệt...




Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Bài học về sự hy sinh

Lời giới thiệu:
Chúng ta đã biết trận động đất và cơn sóng thần ngày 11/3/2011 đã gần như san phẳng vùng đông bắc nước Nhật. Rất rất nhiều người chết, rất rất nhiều người mất gia đình và người thân thuộc và hầu như những người sống sót đều phải nhờ cứu tế xã hội. Trong khó khăn sau thảm họa, thế giới tận mắt chứng kiến tinh thần Nhật Bản qua sự chấp nhận ở lại làm việc trong nhà máy điện nguyên tử đã bị hư hại và đầy phóng xạ của 180 công nhân điện lực; của những hàng dài người xếp hàng chờ đến phiên mình được lên tàu hỏa hay những hàng dài người đợi chờ trong giá rét để đợi đến phiên được lãnh khẩu phần ăn ít ỏi. Thế nhưng câu chuyện dưới đây của Hà Minh Thành, một người Việt đang làm cảnh sát ở Nhật Bản được đăng trên báo Lao Động số ra ngày 18.3.2011 sẽ khiến ta sửng sốt bởi nhân vật chính trong câu chuyện chỉ là một cậu bé chỉ đang độ tuổi Oanh Vũ mà thôi.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến các anh chị huynh trưởng như một bài học trên con đường giáo dục của GĐPT chúng ta.

Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn, nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất, làm cho mootj người lớn như tôi - từng có bằng tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) - cũng phải suy nghĩ về bài học làm người.
Hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp Hội Tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng, tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm.
Cậu bé kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục, thì động đất và sóng thần dến. Cha của cậu làm việc gần đó, đã chạy đến trường. Từ ban công lầu 3 của trường, cậu bé nhìn thấy chiếc xe và cha em bị nước cuốn trôi, 100% khả năng là chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân.
Nhìn thấy nó lạnh run lập cập, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại bỏ vào đó. Nó trả lời: ”Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ mới 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một người có ăn có học, từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Tôi nghĩ, một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi, đó là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, tâm vô sở cầu thị Phật”. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa trẻ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cảm ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo, dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa.
Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tôi đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 25km. Ký giả của Hoàn Cầu Thời báo Trung quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất, chắc cũng vài chục triệu yen, nhưng không ai đưa tay nhặt. Phóng viên này đã phải thốt lên: “50 năm nữa, kinh tế Trung quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng 50 năm nữa người Trung quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại”.
xếp hàng chờ xe buýt
xếp hàng chờ mua thực phẩm
hình ảnh sau cơn sóng thần

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Một chút tình lam

Ngày thứ bảy, 26/2/2011, chạy một chặng đường dài tìm đến nhà anh Tâm Hướng Lê Bá Chí ở Quảng Trị để trao cho anh Chí một chiếc xe lắc và một số tiền là 1.500.000 đồng. Chẳng là trong ngày tang lễ anh Thi mình nhìn thấy anh Chí ngồi cùng anh em nhưng khi đi lại thì phải có người đỡ đần, mình đến hỏi là anh có cần một xe lắc không? anh nhìn mình, gật đầu.



Vận động được hai triệu tư, xin được một chiếc xe lắc cũ, sơn sửa, thay lốp ruột.... gởi xe đò ra Quảng Trị xong còn được chẳn chòi một triệu rưỡi, đem ra cho anh chi dụng.
Thương làm sao con người bộc trực, chân chất như anh. Anh còn nói hôm trước có người cho chiếc xe lăn, chừ có xe lắc rồi, Thọ coi có ai cần thì lấy cho họ. Như thế đấy, chỉ cần đủ đâu cần nhiều, vô tình anh đã dạy mình một bài học nhỏ để sống giữa đời.

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

CẬU BÉ và CÂY TÁO.

Xin chia sẻ mọi người một câu truyện ngày xưa....

Ngày xửa ngày xưa có một cây táo rất to. Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo hàng ngày. Cậu bé rất yêu cây táo và cây táo cũng yêu cậu bé rất nhiều.

Thời gian trôi qua…

Cậu bé lớn lên và không còn đến chơi với cây táo nữa. Một hôm cậu bé quay lại chỗ cây táo, trông cậu rất buồn. Cây táo nói: “Hãy lại đây chơi với tôi!” nhưng cậu bé trả lời: “Bây giờ tôi không còn là một đứa trẻ nữa, tôi không muốn chơi quanh mấy cái cây nữa. Tôi muốn có đồ chơi. Tôi cần tiền để mua đồ chơi.”

“Xin lỗi vì tôi không có tiền… nhưng cậu có thể hái những trái táo của tôi và đem bán.”

Cậu bé nghe thế liền hái hết táo một cách vui vẻ và không quay lại chỗ cái cây nữa. Cây cảm thấy rất buồn.

Đến một ngày, cái cây lại thấy cậu bé quay lại. Lúc này cậu đã trở thành một chàng trai và đã lập gia đình. Cái cây lại bảo: “Lại đây chơi với tôi!”

Chàng trai trả lời: “Tôi không có thời gian. Tôi phải làm việc để nuôi gia đình mình. Chúng tôi cần một chỗ để trú thân. Anh có thể giúp tôi không?”

Cây táo trả lời: “Xin lỗi, tôi không có nhà nhưng cậu có thể cắt những cành cây của tôi để về làm nhà.” Chàng trai làm theo lời cây táo bảo và cũng không quay lại nữa kể từ hôm đó.

Cây táo hết sức cô đơn và buồn tủi.

Rất lâu sau, một ngày mùa hè, cậu bé lại quay lại, lúc này đã thực sự là một người đàn ông trung niên. Nhìn thấy cậu bé của mình, cái cây hết sức phấn khởi. Nó lại nói: “Lại đây chơi với tôi!”

Người đàn ông trả lời: “Tôi đang già đi và cảm thấy rất buồn chán. Tôi muốn có một chiếc thuyền để đi khắp nơi. Anh có thể cho tôi một cái không?”

“Hãy dùng thân tôi mà làm thuyền, cậu có thể đi thật xa và cảm thấy thật hạnh phúc,” cái cây nói.

Người đàn ông liền chặt cây táo, đóng cho mình một cái thuyền và đi thật xa, thật lâu không quay về.

Một hôm, nhìn thấy cậu bé quay về, lúc này đã là một ông lão, cái cây liền bảo: “Xin lỗi nhưng tôi chẳng còn gì để cho cậu nữa đâu. Không còn táo nữa…”.

“Tôi cũng không còn răng để ăn nữa,” ông lão nói.

“Tôi không còn thân cây để cho cậu trèo lên nữa. Cái duy nhất tôi còn lại là bộ rễ đang chết dần của mình,” cái cây nói trong nước mắt nghẹn ngào.

Cậu bé trả lời: “Bây giờ tôi cũng không cần nhiều nữa, tôi chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi thôi. Sau những năm qua tôi đã mệt mỏi lắm rồi.”

Nghe thấy vậy cây táo liền nói: “Rễ của một cái cây già nua là một chỗ nghỉ ngơi rất lý tưởng cho cậu. Hãy lại gần và ngồi lên đây.”

Ông lão làm theo lời của cây táo. Cái cây cảm thấy vui sướng hơn bao giờ hết, nó nở một nụ cười có lẫn cả những giọt nước mắt sung sướng.

Đây là câu chuyện dành cho tất cả mọi người. Cái cây chính là bố mẹ của chúng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta rất thích chơi với Bố và Mẹ… Còn khi lớn lên, chúng ta rời xa họ… và chỉ quay về khi gặp chuyện buồn. Cho dù như thế nào thì bố mẹ ta vẫn ở đó, sẵn sàng cho chúng ta tất cả những gì họ có để mong chúng ta được hạnh phúc. Khi đọc câu chuyện này bạn có thể nghĩ rằng cậu bé đã đối xử thật tệ với cái cây nhưng trên thực tế đó chính lại là cách bạn đang đối xử với bố mẹ mình.

Hãy yêu thương cha mẹ, cho dù họ đang ở đâu đi chăng nữa.



Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Tuyên Ngôn Thuộc Linh của Tin Lành

Đọc cái tuyên ngôn thuộc linh của bọn tin lành trong đêm noel 2009 mà thấy ghê tởm cho cái sự láo xược và mất dạy của bọn người vong bản, dưới đây là một trích đoạn:

-Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, cậy quyền trong huyết Ngài, Hỡi Sa-tan và mọi thế lực tà linh dưới quyền Sa-tan, hãy nghe đây, chúng ta tuyên bố: mọi ách cai trị của ngươi trên dân tộc Việt Nam từ nay bị xóa bỏ vĩnh viễn! Mọi xiềng xích của ngươi đều bị chặt đứt, mọi sự lừa dối của ngươi đã bị phơi bày trước ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, mọi đồn lũy của ngươi đều đã bị sụp đổ. Hỡi Sa-tan, vốn là thiên sứ bị sa ngã, có biệt hiệu là con rồng, là con rắn thuở xưa tại vườn Ê-đen, mọi danh xưng và hình hiệu của ngươi trên đất nước này đều bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Amen!!!

-Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng tôi công bố: nước Việt Nam và mọi người Việt Nam, vốn là tài sản của Đức Chúa Trời, nay đã được dâng trả lại cho Ngài, tùy ý Ngài sử dụng cho vinh hiển của Ngài.


Còn nhiều nữa những câu tuyên bố láo lếu và mất dạy như thế, qua đoạn này ta thấy rõ tâm địa của những người cùng dân tộc Việt nhưng chạy theo một tín ngưỡng do ngoại bang mang đến bằng súng đạn, đó là tìm mọi cách tiêu diệt nền văn hóa dân tộc như chúng đã làm trong quá khứ. Đoạn tuyên ngôn của chúng đã phủ nhận truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt, chúng cố tình hạ linh vật rồng thành rắn và chúng cũng chẳng thèm để ý đến nguyện vọng của kẻ khác khi tự tiện dâng nước Việt Nam và người dân Việt Nam này cho một thứ chúa trời nhãm nhí và ngu ngốc.
Các bạn quan tâm xin tìm đọc những bài viết mà tôi lưu ý ở bên trái của blog này. các bạn chỉ cần chọn bài cần đọc, bấm chuột vào đó sẽ được dẫn đến bài viết.

Hãy chia sẻ những thông tin cần thiết, hãy chung tay và có biện pháp giáo dục con em chúng ta thật tốt trước những độc hại tư tưởng của các đạo thờ chúa như bọn này.