chữ chạy

THÀ THẮP LÊN MỘT NGỌN ĐÈN LE LÓI CÒN HƠN NGỒI NGUYỀN RỦA BÓNG TỐI

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Một câu chuyện để nghĩ suy

Một vị thiền sư đi đến một ngôi làng nọ và đang muốn đi theo một con đường mòn nhỏ để đến làng bên cạnh. Người trong làng ngăn cản “thưa sư phụ, trên con đường đó có một con rắn lớn rất hung dữ, nó luôn luôn tấn công người”. “Được, cứ để mặc ta” vị thiền sư trả lời và lên đường trong sự lo lắng trông theo của dân chúng. Một đỗi người ta thấy vị thiền sư dừng lại như đang nói chuyện cùng ai đó và đi thẳng bình yên.

Thời gian trôi qua, một ngày nọ vị thiền sư năm xưa trở lại và con đường nhỏ ngày nào bây giờ đã có người qua lại. Vị thiền sư lên đường và bắt gặp con rắn lớn đang nằm tiều tụy xác xơ. Thấy vị thiền sư, con rắn thều thào “Thầy ơi, con nghe lời thầy tu hạnh từ bi không làm hại ai mà rồi ai đi qua đây cũng đều đá đạp lên con đến nỗi giờ đây con tàn tạ thế này”.

-“Trời ơi”, vị thiền sư than, “Ta bảo con tu hạnh từ bi đừng cắn hại người chớ có bảo con để cho người ta chà đạp lên đâu”.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

có một thời như thế

CHỦ NHẬT ĐI HỌP
Chiều về nắng ngã qua vai,
Đạp xe đi họp hát bài trầm hương,
Vui xem thế sự vô thường,
Cùng em nói chuyện mười phương đạo vàng.

***
OANH VŨ NAM
Dây treo quần sọt áo lam,
Em đi với bạn họp đoàn cùng anh,
Vòng tròn em quay nhanh nhanh,
Em vui múa hát ngọt lành tuổi thơ.

***
OANH VŨ NỮ
Tóc mây thắt bím nơ hồng,
Tung tăng em đến với lòng hồn nhiên,
Sân chùa nắng đổ nghiêng nghiêng,
Nhìn em chợt thấy ưu phiền bay xa.

1979

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

về giáo dục Gia đình Phật tử

Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên đặc thù của Phật giáo Việt Nam, đó là điều không phải bàn, tổ chức giáo dục này xuất phát từ những năm đầu của thập niên 40, khi mà thực trạng xã hội và đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên bị rơi vào vòng xoáy trong ý đồ ru ngủ và nô dịch dân tộc ta của chủ nghĩa thực dân với tư tưởng chủ đạo là xóa bỏ văn hóa dân tộc bản địa trong đó có Phật giáo. Trước tình hình đó, các tổ chức tiền thân Gia đình Phật tử đã ra đời, lấy giáo lý Phật giáo và vận dụng các phương pháp của phong trào Hướng đạo thế giới để hướng đến việc rèn luyện nhân cách cho thành viên tổ chức; trải qua bao biến thiên lịch sử, cùng với nhiều kỳ đại hội, cho đến trước năm 1975, Gia đình Phật tử đã xây dựng xong một chương trình tạm gọi là hoàn chỉnh cho việc phát triển cũng như thực hiện mục đích và sứ mạng của mình.

Từ đó cho đến nay, trải qua tròn 32 năm kể từ đại hội năm 1973 tại Đà Nẵng, GĐPT chỉ có một lần gởi đề cương đề xuất sửa đổi chương trình tu học đến một số huynh trưởng để tham khảo nhưng rồi tất cả vẫn không có gì thay đổi: vẫn những chương trình có sẳn, những tập tài liệu được biên soạn trên những khung sườn cổ điển với những nhận định chủ quan; trong khi đó thì cơ chế xã hội thay đổi, môi trường sống, giáo dục thay đổi, đối tượng được giáo dục hay là đoàn sinh cũng có những biến đổi và cả người đảm đương vai trò giáo dục là huynh trưởng cũng không còn như trước.

Vấn đề giáo dục của GĐPT đặt ra theo hướng mà mục đích đầu tiên tổ chức đã tuyên xưng là đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo Đây là một mục đích mà đối tượng giáo dục quá tổng quát vì không có một giới hạn cụ thể nào, điều này dễ gây hiểu lầm đối với các tổ chức tôn giáo khác, đặc biệt là đối với chính quyền được dựng lên bằng các thế lực tôn giáo khác với Phật giáo. Sự hiểu lầm đó kéo dài cho đến sau 1975 thì GĐPT trở nên là một tổ chức gây khó chịu vì tất cả mọi đối tượng thanh thiếu đồng niên đều phải dưới sự lãnh đạo của đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.

Đó cũng là thời kỳ khó khăn của Gia đình Phật tử, do vậy Nội quy năm 2001 đã tu chỉnh lại mục đích để cụ thể đối tượng được giáo dục và khiêm nhường hơn trong định hướng: đào luyện thanh thiếu đồng niên Tin Phật thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Vì sao lại có sự tu chỉnh này? Rõ ràng vì nó không gây tranh chấp với bất cứ tôn giáo nào và bất cứ cơ cấu xã hội nào: đối với Gia đình Phật tử thì thanh thiếu đồng niên nào tin Phật mới là đối tượng để đào luyện, còn tin Chúa, tin Ma hay nói chung là không tin Phật thì không phải hoặc nên hiểu là chưa phải là đối tượng của GĐPT, vế thứ hai chỉ là hệ quả đương nhiên của vế đầu và định hướng rõ hơn về tổ chức mà thôi. Như vậy qua mục đích của tổ chức chúng ta thấy rõ đối tượng phải nhắm đến để giáo dục là thanh thiếu đồng niên tin Phật, và do đó phải đặt ra vấn đề là giáo dục bằng cách nào, người làm công tác giáo dục GĐPT phải có những phẩm chất nào và dùng cái gì để thực hiện việc đó.

Chúng ta thử phân tích các phần một trước khi đề ra một giải pháp hợp lý hợp tình:

1/ Đoàn sinh:

Ai được nhận giáo dục của Gia đình Phật tử, câu trả lời đơn giản là đoàn sinh, do vậy ta thử xem xét về đối tượng đoàn sinh của GĐPT: Trước năm 1975, đoàn sinh Gia đình Phật tử gần như có chung một mẫu số về cách nhận thức, cách sống và điều kiện sinh sống, đoàn sinh ở giai đoạn này đa phần là học sinh, chương trình học phổ thông tuy có căng thẳng vì thi cử nhưng không chiếm quá nhiều thời gian. Lứa tuổi đoàn sinh thì hầu như thực hiện gần chính xác theo nội quy và phù hợp với cấp học tại trường học: Oanh vũ là bậc tiểu học, ngành Thiếu là bậc Trung học, ngành Thanh thì thường cũng chỉ giới hạn dưới 25 tuổi, là sinh viên Đại học. Sự chặt chẻ này cũng có lý do đó là sự so sánh, đối chiếu lẫn nhau giữa các tổ chức Thanh Thiếu Niên khác trong xã hội như Hướng Đạo Việt Nam, Thanh Sinh Công, Hùng Tâm Dũng Chí , Hưng Đạo Đoàn . . . Đoàn sinh không bị chi phối bởi việc học, phần khác đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, xã hội chưa phát triển nhiều nên những dịch vụ vui chơi giải trí dành cho thanh thiếu niên hầu như không có và Gia đình Phật tử, cũng như nhiều đoàn thể thanh niên khác là nơi chốn lý tưởng cho việc vui chơi giải trí và học tập các kỹ năng chuyên môn sau một tuần tại nhà trường. Đối tượng đoàn sinh như thế so với bây giờ thì đã có nhiều biến đổi: cũng lứa tuổi được quy định như nhau nhưng đối tượng đoàn sinh thì không cùng mẫu số chung, các em phải tất bật với việc học, việc ôn thi, báo chí từng phản ảnh nhiều và tình trạng đoàn sinh đang sinh hoạt xin về sớm để đi học thêm là chuyện bình thường hay đoàn sinh đến trễ sau giờ lễ Phật là chuyện không phải hiếm vì đang phải học một ca học thêm nào đó. Chính sự cạnh tranh trong việc học, và việc học quá nhiều như vậy khiến không ít phụ huynh ngần ngại khi cho con đi sinh hoạt GĐPT bởi sợ sẽ thua chị kém em. Do đó, khi đến mùa thi thì tình trạng đoàn sinh thật là tệ hại; trong ngôn ngữ báo cáo của nhiều đơn vị đã xuất hiện cụm từ “đoàn sinh mùa”, mùa hè thì tương đối đông vì các em được nghỉ hè, vì có đi trại, có văn nghệ và nhất là có khen thưởng những em học giỏi, còn các mùa khác thì đoàn sinh lác đác lèo tèo. Bên cạnh đó xã hội đã thái bình nhiều năm và đang trên đà phát triển, tâm lý thanh thiếu niên cũng có nhiều biến đổi do ảnh hưởng nhiều mặt của phim ảnh, truyền hình, báo chí và các phương tiện công nghệ thông tin khác, rồi những tụ điểm vui chơi giải trí thích hợp cho từng lứa tuổi, từng đối tượng được khai thác hết sức hiệu quả cũng ảnh hưởng đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Không nói đâu xa, chỉ cần có một trận bóng đá đỉnh cao hay một lễ hội nào đó diễn ra trong khu vực là ta có thể thấy được số lượng đoàn sinh như thế nào rồi.

Điểm qua tình trạng đối tượng được nhận giáo dục của Gia đình Phật tử như thế là tạm đủ, bây giờ ta hãy xem xét tình trạng nhân sự thực hiện sự giáo dục của Gia đình Phật tử là hàng ngũ huynh trưởng như thế nào:

2/. Huynh trưởng:

Trước 1975, thành phần huynh trưởng trong GĐPT là các thầy cô giáo, công chức nhà nước, sĩ quan và lính văn phòng, lính kiểng, một số ít làm nghề tự do và một số ít trốn lính. Nói chung, đó là đội ngũ những người có thời gian rãnh rỗi nhất định, được biết trước và có kiến thức về môi trường xã hội đang sinh sống. Những huynh trưởng như thế tất nhiên có điều kiện để thực hiện một kế hoạch dài hơi và những kiến thức ngoài Phật pháp mà họ đưa vào Gia đình Phật tử hoàn toàn không ra ngoài kiến thức mà họ được môi trường sinh hoạt của họ rèn luyện.

Sau năm 1975, những huynh trưởng thuộc dạng công chức, sĩ quan hoặc lính của chính quyền cũ do nhiều điều kiện không còn và không dám sinh hoạt GĐPT; một số chủ trương điều khiển GĐPT từ xa vì trực tiếp điều hành đơn vị thì sợ mà bỏ đơn vị thì áy náy cho nên nỗi lên một thế hệ đội chúng trưởng trẻ, năng động nhưng chưa qua trường lớp huấn luyện cơ bản huynh trưởng nào, hoặc là có qua huấn luỵện nhưng là loại huấn luyện dưới dạng các khóa tu Bát Quan Trai. . .hàng ngũ huynh trưởng này bị điều khiển từ xa nên tầm hoạt động hạn chế nhưng lại là nòng cốt của sự tồn tại một đơn vị cơ sở.

Theo với thời gian lớp đội chúng trưởng này lớn lên mặc nhiên thành huynh trưởng, một số có năng lực thật sự, nhưng số đông lại là sống lâu lên lão làng, kiến thức Phật pháp và GĐPT qua loa, nhận định hời hợt, kỹ năng thì pha tạp giữa công tác đoàn, đội và GĐPT, có nhiệt tình nhưng thời gian thì eo hẹp vì kinh tế riêng; thêm vào đó xã hội không còn chiến tranh, loạn lạc, các trại huấn luyện được mở ra nhiều và tình trạng thặng dư huynh trưởng cũng phát sinh, ngoài ra còn phải kể đến những người là cựu huynh trưởng bây giờ quay trở về sinh hoạt; chính cái đông đúc nhưng không đồng bộ ấy của các ban huynh trưởng đã làm cho việc thực hiện chương trình giáo dục của GĐPT gặp không ít khó khăn.

3/ Chương trình tu học và sinh hoạt:

Chương trình tu học và sinh hoạt đồ sộ của giáo dục GĐPT gồm những gì, ngoài Phật pháp được biên soạn tổng quát, huynh trưởng và đoàn sinh còn phải nghiên cứu thêm trong tài liệu là cũng đủ hết thời gian chưa nói đến các môn hoạt động thanh niên, văn nghệ xã hội được bố trí xem ra rất có hệ thống và sư phạm nhưng tính khả thi lại thấp. Ta hãy xem một chương trình Sơ Thiện với trên 40 đề mục, những đề mục đó trên nguyên tắc là chia hết cho 52 tuần nhưng sự thật có đơn vị nào sinh hoạt đủ và lên lịch sinh hoạt tu học đủ 52 tuần cho đoàn sinh? Chắc chắn là không có, chương trinh của một năm thường bị gián đoạn với nhiều lễ lượt, nhiều trại mạc và nhiều công tác được giao khác. Đó là chưa kể nhiều đơn vị không thể thực hiện hoàn chỉnh một số đề mục của chương trình do thiếu tài liệu hay bản thân huynh trưởng cũng chưa từng được học nên bỏ qua đề mục này, thí dụ như bài sử dụng máy quay ronéo trước đây, hay bài sử dụng máy ảnh... và bây giờ là đòi hỏi đưa tin học vào chương trình mới nghe qua rất hấp dẫn nhưng thực tế thì có bao nhiêu đơn vị có được máy ronéo, máy ảnh, máy vi tính và có bao nhiêu huynh trưởng thành thạo các món này?

Như vậy cần xem xét một cách nghiêm túc về thời lượng của chương trình các bậc học, theo ý tôi thì chỉ cần 25 đến 30 đề mục là vừa và nhất là những đề mục đó phải có tính khả thi cho huynh trưởng cầm đoàn song song với việc biên soạn tài liệu dành cho huynh trưởng để giảng dạy, hướng dẫn khác với tài liệu để học dành cho đoàn sinh.

Một vấn đề khác được đặt ra là nội dung tài liệu, trước đây do ảnh hưởng của các huynh trưởng là công chức, sĩ quan quân đội và ảnh hưởng cơ cấu đoàn thể thanh thiếu niên điển hình là Hướng Đạo nên nội dung tài liệu có rất nhiều nét tương đồng với một tổ chức quân đội, điều này thấy rõ qua huy phù cấp hiệu, bảng tên. . . là một biến thể của quân phục, các hiệu lệnh, cách sắp hàng, các thế nghiêm nghĩ . . . cũng là rập khuôn theo quân đội. Có thể nói một cách thẳng thừng rằng trước năm 1975, một đoàn sinh được đào luyện về chuyên môn tốt thì nếu phải đi lính họ cũng không mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường quân đội, dĩ nhiên điều này không có gì là sai khi tổ chức GĐPT phát triển và tồn tại trong một xã hội như thế. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có sự nhanh chóng trong điều chỉnh các nội dung tài liệu làm sao để các đoàn sinh có thể áp dụng được trong môi trường hiện tại của các em. Có một số hiệu lệnh, một số cách sắp hàng vẫn được hướng dẫn như xưa khiến các em không vận dụng được khi sinh hoạt đoàn đội nhưng vẫn chưa được chú ý biên tập lại và cũng còn nhiều thứ khác nữa cũng cần được chú ý.

Nội dung chương trình sẽ được các huynh trưởng tu thư, nghiên huấn xem xét cẩn thận hơn theo hướng điều chỉnh cho phù hợp với thực tại. Đây cũng là điều nhiều huynh trưởng thao thức nhưng cũng có nhiều huynh trưởng sợ rằng như thế là đánh mất truyền thống. Nói đến truyền thống thì cũng xin nói thêm là chúng ta chưa từng khẳng định truyền thống của chúng ta là cái gì, truyền thống là sự bám chặt vào quá khứ bất di dịch hay truyền thống phải được hiểu là tình đoàn kết, yêu thương và hy sinh... do vậy cũng nên nghiên cứu để có thêm đề tài truyền thống của Gia đình Phật tử.

Một điểm cuối cùng trước khi kết thúc là tất cả những điều đó cần phải làm thật sớm, thật nhanh, có thể sẽ có vấp váp nhưng rồi sẽ điều chỉnh lần hồi và trên hết là phải thực hiện tập trung do một bộ phận đầu não là Uy viên Nghiên huấn, Tu thư trung ương để nhanh chóng xóa bỏ mạnh tỉnh thành nào thì tỉnh thành đó biên soạn làm suy yếu tính thống nhất của tổ chức.

Cám ơn các anh chị đã chú ý lắng nghe.