chữ chạy

THÀ THẮP LÊN MỘT NGỌN ĐÈN LE LÓI CÒN HƠN NGỒI NGUYỀN RỦA BÓNG TỐI

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Nghệ thuật sống

Dù chẳng liên quan gì đến GĐPT cả nhưng cách sống như trong bài này có khi cần phải suy nghĩ xem thử ta đã sống đẹp như vậy chưa. Bài từ một email của bạn cũ.

Triết Lý Về Chiếc Xe Đổ Rác

“Một hôm, tôi nhảy lên được một xe tắc xi để vội vã đến sân bay. Xe chúng tôi đang chạy trên băng phải, thì có một chiếc xe đen thui bỗng từ bãi đậu chồm ra ngay trước mũi xe.
Bác tài xế tắc xi cuả tôi bèn đạp thắng, xe lết đi, và chỉ thoát đụng phải chiếc xe kia trong gang tấc! Người lái chiếc xe kia gân cổ lên nhìn chúng tôi lơ láo rồi cất tiếng chửi bới. Bác tài xế cuả tôi chỉ mỉm cười và còn vẫy tay chào gã kia. Tôi muốn nói bác ta quả thực là người hiền khô, dễ thương quá đi.

Thấy thế, tôi bèn hỏi tại sao bác ta lại xử sự như vậy. Thằng cha kia suýt nưã đã làm tan nát chiếc xe cuả bác ta và đưa cả hai đưá chúng ta vào nhà thương! Và đây là lúc bác tài xế đã dạy cho tôi một bài học mà tôi gọi là “Luật Cư Xử Với Chiếc Xe Đổ Rác”.


Bác tài giải thích rằng trên đời này không thiếu gì những người chẳng khác gì những … xe đổ rác! Họ chạy lông nhông ngoài đường, thân mình đầy rác rưởi, tâm hồn tràn ngập thất vọng, tức giận và bất mãn với đời! Rác rưởi càng chồng chất, thì họ lại càng muốn tìm được nơi nào trút bỏ, và đôi khi họ nhằm ngay chính bạn để trút đống rác đó ! Vậy thì tại sao bạn lại phải chuốc lấy rác này nhỉ? Tại sao không chỉ mỉm cười, vẫy tay chào họ, chúc họ khỏi bệnh, rồi tiếp tục con đường mình đi! Nhớ đừng lấy cọng rác nào cuả họ để rẩy lên những người khác nơi mình làm việc, trong gia đình mình, hay cho những người mình gặp trên đường phố!

Điểm then chốt cần nhớ là những con người thành công đều là những kẻ không để cho rác rưởi xen vào chiếm đoạt một ngày cuả đời mình!

Cuộc sống vốn ngắn ngủi, thì cớ sao một giấc ngủ dậy lại phải vấn vương vì một hối tiếc nào đó, nhỉ? Do đó …

Hãy yêu thương những kẻ đã đối xử đẹp với ta!

Hãy cầu trời tha thứ cho những kẻ … xử tệ với ta!

Cuộc sống này chẳng qua chỉ có 10% là do bạn gây ra. Và còn lại 90% là tuỳ xem bạn đối phó với nó như thế nào!”


Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Thông điệp của yêu thương


Có câu chuyện như thế này của Béatrice Wanaverbecq:

Câu chuyện bắt đầu kể lại rằng có một bà mẹ kia đã trách đứa con gái 5 tuổi vì cô bé đã lãng phí khi sử dụng một cuộn giấy gói quà đắt tiền mầu vàng đồng trong lúc thu nhập tài chánh của gia đình đang bấp bênh; bà mẹ còn trở nên cáu gắt hơn khi bà khám phá ra cô con gái đã dùng cuộn giấy gói quà để gói một hộp quà mà bà đã đặt dưới gốc cây thông Noel.
Dù sao đi nữa thì cô bé, sáng ngày Noel, cũng trao món quà mà cô đã kỹ lưỡng bọc giấy mầu vàng đồng và thưa với mẹ:
“Mẹ ơi, đây là món quà con tặng Mẹ!”
Bà mẹ lộ vẻ lúng túng vì cái phản ứng quá đáng đối với con ngày hôm trước, bà mở hộp quà ra và phát hiện vẫn cái hộp trống không.
Bà nghiêm nét mặt bảo: “Này cô bé, con có biết không, khi chúng ta tặng quà cho ai thì bên trong hộp phải có một thứ gì chứ?”
Cô bé rươm rướm nước mắt thưa lại với mẹ:
“Mẹ ơi, không phải hộp trống không đâu, con đã bỏ đầy bao nhiêu là nụ hôn trước khi đậy nắp và bọc giấy.”
Bà mẹ sững sờ, quỳ sụp xuống ôm con gái vào lòng và xin lỗi với con vì những lời lẽ cứng rắn và sự nóng giận mà bà đã biểu lộ.
Chẳng bao lâu sau, một tai nạn khủng khiếp đã cướp mất con gái bà và người ta kể lại rằng bà mẹ vẫn giữ cái hộp bọc giấy vàng trên mặt tủ nhỏ nơi đầu giường của bà trong suốt cuộc đời.
Mỗi khi bà phải đối phó với một nan đề hoặc lúc thất vọng chán chường, bà mở nắp hộp ra và nhận lấy một nụ hôn tưởng tượng, hồi tưởng đến tình thương đứa con đã đặt vào đó.
Thực tế của cuộc đời là mỗi người trong chúng ta từng nhận một món quà như thế, cũng bọc trong hộp bao giấy vàng. Hộp quà này đầy những nụ hôn và một tình yêu vô điều kiện từ gia đình, từ bạn hữu.
Không có vật sở hữu nào quý giá hơn tình yêu.
Cha mẹ và bằng hữu như những thiên thần nâng đỡ chúng ta khi đôi cánh của chúng ta gặp khó khăn, không nhớ được làm thế nào để bay...

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Để sử dụng hay để yêu thương?


Một người rất thương gởi cho bài này, thấy hay nên đưa lên đây để cùng suy gẫm:

"Trong khi 1 người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe của ông ta, thì đứa con trai lớn 4 tuổi của ông ta nhặt lên 1 viên sỏi và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên kia cạnh chiếc xe của ông ta.
Trong lúc giận dữ, người đàn ông đó đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều mà không nhận rằng ông ta đang dùng 1 cái cờ lê vặn vít để đánh.
Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy.
Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: “Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại?”
Người bố cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.
Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ rằng: “ Bố ơi ! Con yêu Bố nhiều lắm!”
Và 1 ngày sau đó, người đàn ông đó đã quyết định tự sát…. "

Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn; nên xin hãy chọn Tình Yêu để được 1 cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này:
Đồ vật thì để sử dụng, còn con người thì để yêu thương.

Vấn đề của thế giới ngày nay thì ngược lại: con người thì để sử dụng, còn đồ vật thì để yêu thương.
Hãy luôn cố nhớ những ý nghĩa này:

Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.
Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn
.

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Những điều tin tưởng căn bản

Lâu này chúng ta học nhiều điều về Phật pháp nhưng nếu có ai hỏi những điều tin tưởng căn bản của Phật giáo là gì thì có khi chúng ta lúng túng hay chỉ đưa ra một vài điểm nhiều lúc .... mơ hồ; do vậy mình gởi lên đây bài này: 14 điều tin tưởng căn bản do ông Henry Steel Olcott, người đã đề nghị cờ Phật giáo thế giới, soạn và được công nhận là đúng với chánh pháp của Phật để anh chị em tham khảo:

I.- Người Phật tử được giáo huấn nên bày tỏ đức tính khoan dung, nhẫn nhục và tình thương huynh đệ không có sự phân biệt đối với tất cả mọi người, và lòng từ tâm quảng đại đối với các phần tử của thế giới loài vật.

II.- Vũ trụ tiến hóa không phải được sáng tạo, và nó hoạt động theo luật (thiên nhiên), không do sự quyết định của bất cứ đấng Thượng Đế (God) nào.

III.- Chân lý mà trên đó Phật Giáo được xây dựng, là tự nhiên. Chúng ta tin rằng giáo pháp ấy được thuyết giảng trong nhiều kiếp (Kalpas) liên tục, bởi các bậc đã giác ngộ gọi là chư Phật; danh từ Phật có nghĩa là “giác ngộ”.

IV.- Vị giáo chủ thứ tư trong đời Hiền Kiếp là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) hay Đức Phật Cồ Đàm (Gautama Buddha), người đã sanh ra trong một gia đình hoàng tộc tại Ấn Độ vào khoảng (hơn) 2500 năm trước. Ngài là một nhân vật lịch sử, và tên của Ngài là Tất Đạt Ma Cồ Đàm (Siddhartha Gautama).

V.- (Đức Phật) Thích Ca Mâu Ni dạy rằng vô minh phát sanh ái dục, lòng dục vọng không biết nhàm chán là nguồn gốc của sự luân hồi; và luân hồi, nguyên nhân gây ra phiền não. Cho nên, muốn không còn phiền não, cần phải giải thoát luân hồi, cần phải chấm dứt ái dục; và muốn chấm dứt ái dục, cần phải diệt trừ vô minh.

VI.- Vô minh nuôi dưỡng đức tin rằng luân hồi là điều cần thiết. Khi vô minh đã diệt trừ, sự vô dụng của luân hồi xem như tự nó chấm dứt, được nhận thấy; cũng như nhu cầu cùng tột trong việc thừa nhận một dòng sống mà qua đó, điều cần thiết cho sự tiếp diễn luân hồi như thế, có thể chấm dứt. Vô minh cũng khiến con người có ý niệm sai quấy, phi lý cho rằng đời người chỉ có một kiếp sống; và nhận thức lầm lạc khác tin rằng, cuộc sống này sẽ được tiếp nối theo sau bởi những trạng thái bất biến của hạnh phúc hoặc khổ đau.

VII.- Việc dứt trừ tất cả vô minh có thể đạt tới bằng sự kiên trì thực hiện đức tính vị tha rộng khắp trong hành động; phát triển tánh sáng suốt, trí huệ trong ý tưởng; và đoạn diệt các dục vọng nhằm đến những thú vui cá nhân thấp hèn.

VIII.- Lòng tham dục muốn sống là nguyên nhân của luân hồi, khi dục vọng không còn thì luân hồi chấm dứt ; và nhờ thiền định, con người toàn thiện đạt tới trạng thái cao siêu nhất của sự an tịnh gọi là Niết bàn (Nirvana).

IX.- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng con người có thể xé tan vô minh và đoạn diệt phiền não, nhờ ở sự giác ngộ về Tứ Diệu Đế như sau:
1) Hiện hữu của những sự khổ;
2) Nguồn gốc phát sinh sự khổ, đó là lòng dục vọng, mong được luôn luôn đổi mới, nhằm thỏa mãn chính bản thân mà không bao giờ có thể đạt tới sự chấm dứt;
3) Sự diệt trừ lòng ái dục hay tự mình tránh xa nó.
4) Phương pháp thành tựu sự đoạn diệt lòng ái dục. Những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy gọi là Bát Chánh Đạo; đó là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

X.- Chánh định dẫn đến sự giác ngộ tâm linh, hay phát triển Phật tánh (khả năng thành Phật) mà nó tiềm ẩn ở mọi người.

XI.- Tinh hoa của Phật giáo; mà chính Đức Như Lai (Phật) đã tóm lược trong bài kệ là:
Chớ làm điều ác,
Nên làm việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch.

XII.- Vũ trụ tùy thuộc vào luật nhân quả tự nhiên gọi là Nghiệp (Karma). Hành động thiện hay ác của con người trong những kiếp trước quyết định cuộc sống của y trong đời hiện tại. Vì vậy mỗi người đã tạo nên những nguyên nhân của mọi kết quả mà hiện nay họ phải lãnh thọ.

XIII.- Những trở ngại cho sự đạt tới thiện nghiệp có thể diệt trừ bằng cách thọ trì các điều răn sau đây mà chúng bao gồm trong giới luật đạo đức của Phật giáo, đó là: 1/ Không được sát sanh, 2/ Không được trộm cắp, 3/ Không được tà hạnh, 4/ Không được nói dối, và 5/ Không được dùng chất làm say, và loại thuốc hay rượu làm ngây dại, đê mê. Năm giới cấm khác mà chúng không cần kể ra đây, nên được thọ trì bởi những ai muốn đạt tới, nhanh chóng hơn người thường cư sĩ tại gia, sự giải thoát khổ đau và luân hồi.

XIV.- Phật giáo không khuyến khích tính cả tin (dị đoan mê tín). Đức Phật Cồ Đàm dạy rằng bổn phận của cha mẹ là giáo dục cho con cái hiểu biết khoa học và văn chương. Ngài cũng dạy rằng mọi người đừng nên tin vào điều gì do bất cứ thánh nhân nào thuyết giảng, ghi chép ở kinh sách, hay được thừa nhận bởi tập quán, trừ khi điều đó phù hợp với lý trí.

Bản dự thảo được xem như nền tảng chung mà tất cả mọi Tông Phái Phật Giáo đều có thể đồng ý.

H.S. Olcott